Tìm hiểu về nguồn gốc cây trà (chè) – Những huyền tích về xuất xứ của cây trà

Cây Chè Tổ Suối Giàng - Yên Bái

Tìm hiểu về nguồn gốc cây trà (chè) – Những huyền tích về xuất xứ của cây trà

Trà là thức uống phổ biến, nhưng việc truy nguyên về  nguồn gốc cây  trà đầu tiên của nhân loại vẫn còn là một vấn đề lịch sử bỏ ngỏ, hấp dẫn bởi tính giá trị khoa học lịch sử, văn hóa- xã hội. Sự tranh cãi từ giới hàn lâm đến các chuyên gia về trà trong suốt nhiều thế kỷ vẫn  kết thúc.Tuy nhiên, việc lần theo nhiều tài liệu, tư liệu về nguồn gốc cây trà, có nhiều giả thuyết được đưa ra với minh chứng thuyết phục. Theo Đỗ Ngọc Quý, có thể phân loại  những công trình nghiên cứu về trà đã công bố của các học giải thành 3 loại: truyền thuyết, thư tịch cổ và tư liệu khoa học hiện đại. Theo đó, tựu trung lại có 3 giả thuyết sau:


Thứ nhất, đa số các nhà nghiên cứu cho rằng trà có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Bắt nguồn từ truyền thuyết kể rằng Thần Nông (3320 -3080 trước Tây Lịch), vị thủy tổ của người Á Đông thời xưa, trong lúc tìm kiếm thử nghiệm các loại rau quả hoang dại, chẳng may bị trúng độc sốt nóng ngất xỉu nằm ngay dưới gốc cây trà, do sốt và khát,người đã quơ tay bứt một nắm lá trà nhai nuốt, nhờ đó mà bình phục trở lại.  Từ đó, người truyền dạy mọi nhà trồng trà để uống chống khát và giải nhiệt. (Vũ Thế Ngọc, 2006, tr.17).

Thần Nông
Cùng quan điểm với giả thuyết này, các nhà nghiên cứu dựa vào tác phẩm Trà Kinh của Lục Vũ viết năm 780, ông đã xác nhận điều đó: “trà chi vi ẩm, phát hồ Thần Nông thị” (uống trà có từ thời Thần Nông) (Thượng Hồng, 1999). Theo tài liệu này,thời Thần Nông, người ta biết đến trà như là dược thảo trị bệnh “khổ trà cứu,linh nhàn bửu lực duyệt chế”, trà đắng uống lâu khiến người có sức khỏe và long được vui. Như vậy, khởi thủy của trà là khô thảo (cỏ đắng), một loại lá thuốc dùng để chữa bệnh.

Trà Kinh - Lục Vũ

Thứ hai, bằng các cứ liệu khoa học, các nhà thực vật học châu Âu, qua khảo sát và phát hiện nhiều cây trà hoang dã mọc trong dãy  núi  Assam (Ấn Độ) có những cây trà cao tới 17 -20 m, thuộc loại thân gỗ lớn, khác hẳn cây chè thân bụi thu thập ở Trung Quốc. Và họ đi đến kết luận chè có nguồn gốc từ Ấn Độ. 

Tuy nhiên, đến năm 1918, một nhà phân loại thực  vật học Hà Lan lại phát hiện thêm một tiêu bản khác về chè ở khu vực Vân Nam, Bắc Việt Nam, Bắc Myanmar. Từ đây, họ đưa ra thuyết hai nguồn gốc của cây chè ( nhị nguyên thuyết): cây chè lá to có nguồn gốc ở phía đông cao nguyên  Tây Tạng và cây chè lá nhỏ ở phía  Đông và Đông Nam Trung Quốc. Hai loại chè này thuộc hai loại hình khác nhau. Từ các giả thuyết và nguồn tư liệu trên, nhiều nhà khoa học đều xác nhận Việt Nam nằm trong vùng nguyên sản cây chè thế giới. Và từ đó, đưa ra một giả thuyết thứ ba rằng:

Cây chè có nguồn gốc ở vùng khí hậu gió mùa Đông Nam Á,bao gồm vùng Tây Nam Trung Quốc, Bắc Myanmar, Bắc Lào và Bắc Việt Nam hiện nay. Cây chè được cư dân Bách Việt phương nam thuộc nền văn hóa lúa nước phát hiện đầu tiên  trên thế giới  làm thảo dược, rồi lan truyền lên phương bắc của dân tộc Hán có nền nông nghiệp cạn và du mục Hoàng Hà.Từ đó, phát triển mạnh mẽ về công nghệ chế biến thành nước trà, một thứ nước uống giải khát phổ cập ở Trung Hoa, rồi truyền bá khắp năm châu trên thế giới ngày nay đã có trên 4000 năm lịch sử.

Trước đây mình cũng từng tìm hiểu về Nguồn gốc cây chè, và cũng gặp rất nhiều hoang mang không biết như thế nào, sau khi gặp tìm hiểu và quan điểm cá nhân của mình là nguồn gốc cây chè bắt người từ nhiều câu chuyện và mang ý tố lịch sử. cũng có nhiều người cố tìm hiểu và chứng mình nguồn gốc cây chè nhưng đến nay cũng chưa ngã ngũ.

Theo cuốn sách Văn Minh Trà Việt của tác giả Trịnh Quang Dũng

“… Trà làm cho tâm hồn sảng khoái, thanh nhiệt cơ thể, uống một bát trà vạn nỗi ưu phiền tan biến”

– Tuệ Tĩnh (1330 – ?)

“Uống chén thứ nhất thấy thân thể mềm mại trở lại, uống chén thứ hai thấy quá khứ hiện về, uống chén thứ ba thấy thông cảm được với các đấng tiền bối, uống chén thứ tư gió như thổi lất phất ở hai bên nách, cho nên không thể uống chén thứ năm được nữa”.

– Lê Quý Đôn (1726 – 1784)

——————–
Đã bao giờ bạn thắc mắc xem Nguồn gốc của Trà Việt Nam là như thế nào? Văn hóa Trà của Việt Nam có từ bao giờ? Người Việt thưởng thức trà như thế nào qua các giai đọan lịch sử? Có lúc nào bạn tự hỏi Việt Nam có Trà cụ nào đáng để tự hào không? Và Trà của Việt Nam có gì khác biệt so với các nước khác trên thế giới? Nêú có, xin mời bạn tìm đến cuốn sách với chủ đề “Văn Minh Trà Việt”.

Văn minh trà Việt là một cuốn sách rất có giá trị về văn minh lịch sử, văn hóa trà Việt Nam, nó sẽ là cơ sở, chỗ dựa tinh thần cho một thời kỳ phát triển mới của trà Việt.

Thật sửng sốt với các luận chứng của tác giả. Một cách nhìn khác lạ rất logic, rất biện chứng và khoa học, những tố chất tạo nên sức hút cho một tác phẩm văn hóa sử về trà.

Cuốn sách Văn minh trà Việt của tác giả Trịnh Quang Dũng không chỉ là kho tư liệu, kiến thức quý báu về trà, mà còn cho chúng ta thêm tự hào về một đất nước Việt Nam vô cùng giàu bản sắc, vô cùng nhân văn.

– Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam

Sách Văn Minh Trà Việt – Việt Nam là “cái nôi văn minh chè thế giới”

Bằng hàng loạt những chứng cớ lịch sử, khảo cổ, hình ảnh, nhân chứng, vật chứng nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng đã khẳng định nền văn minh trà Việt sớm nhất trên thế giới và là “cái nôi” của chè thế giới.

“Văn Minh Trà Việt” kho tư liệu tôn vinh văn hoá trà Việt

Tại hội thảo-Liên hoan trà quốc tế Thái nguyên 2011, chủ đề về “Văn minh trà Việt” lần đầu tiên được tôn vinh và trình bày một cách sinh động, đầy đủ nhất gây nhiều bất ngờ và thích thú  cho các đại biểu tham dự. Bằng hàng loạt những chứng cớ lịch sử, khảo cổ, hình ảnh, nhân chứng, vật chứng nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng (Tp.HCM) đã khẳng định nền văn minh trà Việt sớm nhất trên thế giới và là “cái nôi” của chè thế giới.

Thế giới đã từng tồn tại bốn nền văn hóa trà: Trà Việt Nam, trà Trung Hoa, trà Nhật  bản và trà Hàn quốc. Song thật đáng tiếc, Nền Văn Hóa Trà Việt dường như dần biến mất và trong tâm tưởng của mọi người…ngày nay, hầu như chỉ còn tồn tại Trà kinh Trung Hoa và Trà đạo Nhật Bản, tiếc thay! Điều đáng tiếc ấy xuất phát từ việc thiếu hụt tư liệu văn hóa viết chính thống, cùng sự ngộ nhận do hụt hẫng  thông tin chuẩn xác về một nền văn minh trà Việt lâu đời giàu bản sắc.

Văn minh trà Việt thể hiện được cả một mảng quan trọng trong nền văn minh của dân tộc trải suốt 4000 năm văn hiến. Nó hội đủ cả: văn hóa trà Việt, nghệ thuật trà Việt, trà cụ Việt, trà nghiệp Việt … và điều quan trọng hơn cả, nó toát lên cái vóc dáng kì vĩ của dân tộc Lạc Việt dựa trên nền tảng lịch sử, văn hóa đầy hào hùng, đầy thăng trầm và nở rộ những trang sử  huy hoàng.

Cuốn sách Văn minh Trà Việt của tác giả Trịnh Quang Dũng do nhà xuất bản Phụ Nữ  sắp ra mắt độc giả Việt nam viết về cuộc hành trình văn hóa uống trải dọc bề dày suốt hơn 4000 năm của người Việt. 4 chương trong Văn minh trà Việt, trình bày mạch lạc về nguồn gốc xuất xứ của trà Việt và khẳng định Việt nam là cội nguồn trà của thế giới.

Bằng những luận chứng và tư liệu đầy thuyết phục: Cội nguồn Trà Việt nhìn từ góc độ cương thổ-địa lý; Cội nguồn Trà Việt qua truyền thuyết  và tư  liệu  lịch sử; Cội nguồn trà Việt qua thư tịch cổ; Cội nguồn trà Việt qua vùng trà cổ hoang dã và Cội nguồn trà Việt qua những tập tục uống trà, di chỉ khảo cổ.

Lần đầu tiên trang Biên niên sử trà Việt hé lộ, được dựng nên bằng những cứ  liệu quí giá, chắt lọc, truy xét kỹ lưỡng từ nhiều nguồn thông tin: Dữ liệu lịch sử, tư liệu khảo cổ, tác phẩm văn học, các truyền thuyết, phả lục và trên hết từ những nhân chứng, vật chứng sống còn đang hiển hiện quanh ta (Chương I). Những quả trà cổ 13.200 năm tuổi ở hang Con moong trong không gian sống của người Việt cổ, một rừng trà Hoàng Liên sơn bạt ngàn hơn 1.100.000 cây cổ thụ trà với những cá thể lão trà hàng ngàn tuổi còn tới ngày nay đã chinh phục lòng người đọc.

Chương II tiếp theo trình bày súc tích, bao quát nghệ thuật thưởng trà độc đáo Việt với sự song hành của hai phong thái: Trà giải khát dân gian và nghệ thuật thưởng Trà Bác học-Cung đình cao sang, tinh tế. Một thời vàng son của trà Việt ẩn hiện những danh trà: Tước thiệt, Mạn hảo, Cam khổ…đạt tới tột đỉnh cao sang với Trinh nữ trà của quốc sư Nguyễn Hoãn mà hậu thế không dễ gì theo kịp.

Danh thủy dùng trong nghệ thuật ẩm trà Việt nổi trội với nguồn “Thiên thủy”  đặc trưng với nước sương vương đọng trên lá sen mà người xưa gọi là “bán thiên hà thủy” (nước của con sông từ lưng từng trời). Nước sương là một sản phẩm thiên tạo tự nhiên mang lại cho nghệ thuật pha trà và ẩm trà Việt cái đơn sơ trong sự cầu kỳ, cái mộc mạc trong sự cực tinh tế và là cách tu thân, phép luyện học chữ Nhẫn cao siêu của cổ nhân từ việc uống trà. Biến nghệ thuật thưởng trà Việt thành nơi hình thành nhân cách con người. Đó cũng chính là chất siêu đẳng của nghệ thuật thưởng trà Việt vậy.

Phong cách ngồi thưởng trà, trà thất, cách ứng sử với trà theo truyền thống Việt…đều dần được làm sáng tỏ. Đặc biệt từ thế kỷ XVIII trở về sau, dòng trà Cung đình Việt thanh cao với triết lý Trà Nô do Chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm (1767-1782) khởi xướng. Một triết lý bình dị mà cao siêu, vừa giản đơn lại rất mực uyên thâm. Nó đánh dấu son và tạo dựng nét xuất thần độc đáo, đậm bản sắc riêng của dòng trà cung đình Việt nói riêng và nền văn minh trà Việt nói chung.

Ở ngôi vị chí tôn, trên tất thảy muôn người, Nhà Chúa phát hiện ra một “chân lý”, nghe qua thật mộc mạc: Muốn thưởng thức được vị ngon của trà – hãy làm Nô bộc cho Trà! Và Triết lý Trà Nô đã ra đời.

Để tôn vinh nghệ thuật và văn hóa trà Việt không gì khác hơn chính là giới thiệu đầy đủ nền trà cụ Việt độc đáo với hình thái đa dạng: trà cụ dân gian bản địa, trà cụ cung đình, trà cụ ký kiểu, trà cụ xuất khẩu ra thế giới. Xuyên suốt chương III, bức tranh toàn cảnh về trà cụ Việt lần đầu được phục dựng cho thấy tính hoành tráng, đa sắc, cao sang đầy sáng tạo của nghệ thuật chế tác trà cụ Việt.

Những bộ trà cụ ngọc ngà, vàng bạc từ thủa Hùng vương (2879-258 TCN), Triệu Văn Đế (137-122 TCN) và đã hành trình theo suốt dòng lịch sử dân tộc tới tận ngày nay. Vào thời gian từ thế kỷ 16-18, sự kiện trà khí Việt đoạt chiếm vị trí của trà khí Trung hoa trong văn hóa Trà đạo Nhật là sự kiện hi hữu, chứng tỏ “chất hồn”, cũng như nghệ thuật gốm trà Việt đã đạt đến một đỉnh cao phải được trân trọng.

Một bề dầy về nghề khai thác, canh tác trà trải hơn 4000 năm của tộc Việt vượt qua bao bão tố của lịch sử cũng đã được tìm tòi, tái hiện thông qua những vùng trà huyền thoại, những đặc sản trà Sen tinh tế, sang trong chinh phục lòng người, khắc dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè toàn cầu. Một bề dầy trong trà nghiệp, quán trà xưa và nay, nghề xuất khẩu trà ra thế giới được các thương điếm, doanh nhân phương Tây ghi nhận cũng đã được trình bày đầy đủ trong chương IV.

Cây Chè Tổ Suối Giàng - Yên Bái

Kinh nghiệm trà thảo mộc rong đời sống Việt lại là một góc khác biệt thuộc văn minh trà Việt khiến không ít người ngỡ ngàng. Cuối cùng, cuốn sách gửi tới độc giả thông điệp của người xưa gói gọn trong lời “sấm” dạy của thần y Tuệ Tĩnh: Trà khả thanh tâm giải nhiệt, ẩm nhất bát, vạn lự đốn tiêu -Trà làm cho tâm hồn sảng khoái, thanh nhiệt cơ thể, uống một bát vạn nỗi ưu phiền tan biến.

Khi viết về nền văn minh trà Việt, những sử liệu, tư liệu gia phả, dữ liệu khảo cổ… thường khô khan dễ làm bạn đọc nhàm chán. Lại những lúc sử dụng nhiều truyền thuyết, truyền ngôn dân gian ẩn chứa đầy tính huyền hoặc mông lung khiến độc giả cảm nhận tính xác thực bị hạn chế.

Cây Chè Tổ Suối Giàng - Yên Bái

Vì vậy tác giả Văn minh trà Việt đã thể hiện tác phẩm bằng lối bút pháp văn hóa sử biến hóa với tiêu chí “Lấy lịch sử làm chính xác văn hóa” và ngược lại, “Mượn văn hóa làm tươi mát lịch sử”. Hy vọng bút pháp đó giúp người đọc vừa có được sự thoải mái trong thưởng ngoạn Văn minh trà Việt lại vừa được củng cố niềm tin vào những sự kiện mang tính “đột phá” của tác phẩm.

Hình Cây Trà Shan Tuyết
Hình Cây Trà Shan Tuyết

Thật sự, Văn minh trà Việt vừa như một tác phẩm văn hóa lại vừa mang được tính xác thực, đậm tính sử liệu đem lại một cách nhìn nhận mới, toàn diện hơn, hoàn thiện hơn về Trà Việt. Không chỉ vậy nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều danh nhân lịch sử, nhiều câu truyện về văn hóa, nhiều tập tục cổ của tộc Việt cũng được nhắc đến giúp ta hiểu thêm nhiều mảng tối trong đời sống Việt, cũng như những ký ức hào hùng của ông cha đang dần bị phôi pha.

Chính bởi vậy, văn minh trà Việt còn là kho tư liệu cho những ai say mê, trân trọng văn hóa Việt Nam.

0/5 (0 Reviews)
0/5 (0 Reviews)

Yang Đỗ có duyên đến với trà Việt và đang trên hành trình kế thừa và gìn giữ những giá trị văn hóa trà Việt, mình mong muốn học hỏi và nhận được đóng góp chia sẻ để lan tỏa, mọi vấn đề về thông tin nội dung và hình ảnh quý bạn đọc có thể bình luận và phản hồi với Yang, trân trọng và biết ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *